Lắng nghe là một nghệ thuật đang dần bị mai một, không chỉ trẻ em mà cả người lớn chúng ta cũng chỉ đang lắng nghe khoảng 25-50% những gì người khác nói với mình. Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận được rằng nếu biết lắng nghe, cuộc sống sẽ dễ dàng và bớt căng thẳng đi nhiều; với trẻ con, lắng nghe còn có vai trò rất lớn giúp việc học tập của bé thành công.
Bạn có thể giúp con rèn luyện và phát triển kỹ năng lắng nghe bằng những cách đơn giản, tưởng chỉ là chơi mà hóa ra còn học được rất nhiều:
1. Các hoạt động và trò chơi cho trẻ nhỏ
- Mọi người đều biết đọc sách cho con nghe hàng ngày là một hoạt động rất quan trọng. Thỉnh thoảng bạn hãy thử biến tấu một chút, biến nó thành trò chơi đòi hỏi sự tập trung và phản ứng của bé xem sao. Bạn có thể dùng một quyển sách / truyện có một từ lặp lại nhiều lần và bảo con la lên / đứng dậy / vỗ tay… mỗi khi nghe thấy từ đã quy định trước đó. Chẳng hạn bạn có thể chọn sách về một chú vịt và chọn từ khóa là “vịt”.
- Một trò chơi khác cũng giúp tăng cường khả năng lắng nghe là trò “Cốc cốc, ai gọi đấy”. Với trò chơi này, bạn cho con ngồi xoay lưng lại (bé không nhìn thấy bạn), còn bạn thì ngồi cùng với những con thú bông yêu thích của bé. Dùng giọng dễ thương, cho từng con thú một gõ cửa “nhà” bé, rồi mô tả cho bé đoán đó là con thú nào.
- Trò chơi “Theo nhịp” là một trò khác cũng khá vui nhộn và sôi động. Hãy vỗ tay theo một nhịp điệu đơn giản và bảo con lặp lại giống như y vậy. Khi bé đã thành thục những mức độ cơ bản rồi, bạn hãy tiếp tục với những nhịp điệu dài hơn, rắc rối hơn, bạn thậm chí có thể vỗ vào đùi hay đầu để “thử thách” bé.
2. Các trò chơi cho trẻ lớn hơn
- Trẻ lớn hơn có thể chơi trò “Sau đó…” – trò này yêu cầu có từ hai người chơi trở lên: đứa trẻ thứ nhất sẽ đọc ra một mệnh đề, kết thúc bằng từ “sau đó”, đứa trẻ thứ hai sẽ đọc tiếp mệnh đềkết thúc câu. Chẳng hạn đứa trẻ đầu tiên nói “Bạn Khánh Giang ném quả bóng, sau đó…” thì đứa trẻ thứ hai sẽ tiếp là “…quả bóng lăn xuống đồi.” Trò chơi này có thể có nhiều biến thể khác nhau, tùy vào sự sáng tạo và ý thích của bạn.
- Một trong những trò hơi khó một chút để cho một nhóm các bé cùng chơi là trò “Trả lời câu hỏi”. Một đứa trẻ sẽ được chọn làm người trả lời còn những bé khác sẽ thay phiên nhau đặt câu hỏi đồng thời chọn ra một từ không được sử dụng đến. Chẳng hạn, bé sẽ hỏi, “Cậu bao nhiêu tuổi? Cậu không được dùng từ ‘mười’;” và câu trả lời được chấp nhận có thể là “Sinh nhật năm sau tớ sẽ được 11 tuổi.”
- Một trò chơi vui nhộn khác với trẻ mọi lứa tuổi là trò “Ai đang nói đấy?” Chọn ra một chương trình truyền hình mà bé yêu thích, cho bé xem một chút rồi bảo bé nhắm mắt lại. Bạn ngẫu nhiên hỏi “Ai?” và bé sẽ cho bạn biết là nhân vật nào đang nói. Bạn có thể chọn những nhân vật trong chương trình “Chúc bé ngủ ngon” hay các nhân vật trong các phim hoạt hình mà bé thích như Pororo, Doraemon… cho trò chơi này.
Với những trò chơi nho nhỏ thế này, bé sẽ không nhận ra là mình đang học cách lắng nghe tuy thật ra đang tiếp nhận một trong những kỹ năng quan trọng nhất và có vai trò rất lớn trong việc học tập của bé. Những kỹ năng học được từ nhỏ sẽ theo con và giúp đỡ con trong suốt cuộc đời. Vậy nên hãy rủ con cùng chơi ngay thôi nào!
(nguồn: Webtretho)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét